AI ĐƯỢC ?ánbàikhoahọcAiđượcaimấkết quả xổ số miền trung hôm nay
Thoạt trông, có vẻ người được lợi đầu tiên trong bức tranh tranh tối tranh sáng này chính là tác giả của các bài báo. Bởi lẽ, mỗi bài báo mạo danh một nhiệm sở khác được trả bằng một số tiền không nhỏ, đem lại lợi ích kinh tế, vật chất rất cụ thể. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các trường ĐH và viện nghiên cứu ở VN đều có chính sách khen thưởng cho các bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế. Không có dữ liệu công khai nên chúng ta không thể biết được trong số những người bán bài có bao nhiêu người trung thực bỏ các bài đứng tên nhiệm sở khác ra khỏi danh sách nhận thưởng tại đơn vị của mình, còn bao nhiêu người sẵn sàng "ăn cả ba đầu", tức tiền quỹ hỗ trợ nghiên cứu, cùng với tiền bán bài báo và tiền khen thưởng từ cơ quan chủ quản.
Trong khi đó, xét ở phương diện cá nhân, một công trình dù ghi tên nhiệm sở nào vẫn được đưa vào hồ sơ thành quả nghiên cứu cá nhân, góp phần tạo ra uy tín của nhà nghiên cứu, miễn là các bài báo thể hiện một hành trình xuyên suốt về chuyên môn khoa học.
Nơi được lợi nhiều nhất là đơn vị "mua" bài. Bởi như đã nêu trong các số liệu ở bài trước, các đơn vị này ngoài việc bỏ tiền "mua" bài thì không cần làm gì cả. Nguồn lực đầu tư nghiên cứu đã có nơi khác trả. Quá trình thực hiện đề tài đã có nơi khác lo. Việc quản lý cũng không tốn kém gì, từ xây dựng, phê duyệt, đánh giá, thẩm định đề tài, đến nhân sự nghiên cứu, hay trang thiết bị cơ sở vật chất nghiên cứu... Chỉ có duy nhất ở thời điểm gửi bản thảo, hay khi bài báo được duyệt đăng, thậm chí chỉ trước khi đăng chính thức, đơn vị "mua" bài dùng lợi ích vật chất cám dỗ tác giả ghi nhiệm sở là đơn vị của mình thay cho đơn vị gốc của họ là đủ.
Đơn vị "mua" bài thu lợi về danh tiếng vì trong một quãng thời gian rất ngắn thành tích trên các bảng xếp hạng đo lường thư mục có thể tăng vọt một cách thần kỳ. Tăng thứ bậc xếp hạng đồng nghĩa với quảng bá miễn phí, thu hút sự chú ý của mọi thành phần xã hội, trong đó đáng kể nhất là nguồn "khách hàng" tiềm năng trong tuyển sinh ĐH. Đó vừa là lý do, vừa là động lực, vừa là nguồn "thu hồi vốn" cho khoản đầu tư vào chính sách (sai trái) "mua" bài. Một mũi tên bắn trúng hàng loạt con chim.
"NUÔI ONG TAY ÁO"
Đã có người được thì phải có ai đó mất, đó là quy luật. Nơi mất đầu tiên chính là đơn vị chủ quản của nhà khoa học "bán" bài. Họ cung cấp cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, tạo điều kiện thời gian và cơ chế cho các nhà khoa học làm công việc của mình một cách tốt nhất trong điều kiện có thể. Nhưng vì lý do lương bổng thấp mà tất cả những thành quả nghiên cứu lẽ ra họ được thụ hưởng một cách danh chính ngôn thuận lại bị gán qua tên nơi khác. Không chỉ thế, khi nơi "mua" bài cũng là một trường ĐH, thì việc đơn vị chủ quản thả lỏng cán bộ giảng viên của mình để họ tùy ý ghi tên nhiệm sở trên các bài báo khoa học chẳng khác nào "nuôi ong tay áo", tự mình chấp nhận bị cạnh tranh bất chính trong tuyển sinh ĐH. Đó là chưa kể đến những mất mát về hình ảnh khi xảy ra lùm xùm, tranh luận về liêm chính học thuật.
Một đối tượng chịu sự mất mát khác, đó chính là nhà khoa học "bán" bài. Uy tín cá nhân nhà nghiên cứu không thể tách rời với uy tín của nơi họ công tác; đó là lý do mà nhiều hệ thống dữ liệu học thuật đòi hỏi tác giả phải sử dụng hộp thư điện tử theo tên miền chính thức của cơ quan công tác. Ngược lại, khi có phát hiện vi phạm liêm chính, những bài liên quan hoàn toàn có thể bị rút lại, và uy tín học thuật của tác giả cũng như của cơ quan công tác có thể bị ảnh hưởng.
MẤT MÁT LỚN NHẤT: ĐẦU TƯ SAI MỤC TIÊU
Nơi mất lớn nhất, có lẽ đó là nền khoa học và giáo dục nước nhà. Thực ra, xét về mặt định lượng thuần túy trên các cơ sở dữ liệu đo lường thư mục, việc một nhà khoa học của một đơn vị trong nước ghi tên mình theo một nhiệm sở khác trong nước sẽ không làm thay đổi gì về số liệu đánh giá tổng thể thành tích công bố khoa học của quốc gia. Tất cả đều tính cho VN.
Thế nhưng, nhìn sâu hơn một chút chúng ta sẽ thấy lộ ra vấn đề. Đó là nhà nước đầu tư không ít tiền và cơ chế cho các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, từ cấp trường đến cấp bộ ngành và cấp nhà nước, hay cả các quỹ và đơn vị tiên phong như NAFOSTED, VIASM… là nhằm phát triển tiềm lực nghiên cứu đào tạo của các trường ĐH, viện nghiên cứu. Nhưng việc đầu tư bị làm sai mục tiêu khi các công bố của cán bộ đơn vị này lại ghi địa chỉ của một đơn vị khác. Nơi có con người thật và làm thật thì không được hưởng, nơi không làm gì cả thì thành tích bỗng nhiên tăng vọt. Nơi có năng lực được nâng cao thực sự không được tưởng thưởng và đầu tư thích đáng hơn, nơi không có nền tảng gì cho nghiên cứu thì lại lấp lánh hào quang nhờ vào thành tích ảo.
Trên bình diện quốc gia, tổng nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu không thiếu, nhưng cơ chế cấp kinh phí và đánh giá, khen thưởng dựa trên các tiêu chí định lượng một cách hình thức và máy móc đã làm nở rộ trào lưu mạo danh nhiệm sở dưới danh nghĩa cộng tác cá nhân, thay vì thúc đẩy hợp tác nghiên cứu liên trường giữa những nhóm nghiên cứu thực thụ về những vấn đề cấp thiết trong môi trường sở tại. Đây là vấn đề từng được Hội đồng cấp cao về đánh giá khoa học và giáo dục ĐH (HCÉRES) của Pháp khuyến cáo, khi đánh giá các trường ĐH VN cần chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu tự chủ tại chỗ, cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu liên trường giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, thay vì thả nổi cho các nhà nghiên cứu tự tìm nguồn cộng tác cá nhân.
Nơi mất cuối cùng, dù không liên quan trực tiếp, đó là người dân. Bản chất nguồn kinh phí nhà nước chi cho các quỹ hỗ trợ nghiên cứu là lấy từ tiền thuế của nhân dân. Ngay cả với các trường ĐH có cơ chế tự chủ tài chính, cơ cấu nguồn thu chính vẫn là từ học phí, tức tiền đóng góp của sinh viên và gia đình. Nhưng ở các trường mua thành tích nghiên cứu ảo, một phần đáng kể kinh phí lấy từ nguồn học phí đã bị sử dụng để trả cho giảng viên cơ hữu ở trường khác chỉ để có tên trên các bài báo khoa học. Sinh viên không được học hỏi từ những tác giả bài báo này theo cách tương xứng với số tiền mình đã bỏ ra. Thành tích ảo tạo ra sự ngộ nhận về giá trị giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, gây mất niềm tin của công chúng vào sự liêm chính của cả nền giáo dục đại học cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.
Nói thỉnh giảng giống "bán" bài là đánh tráo khái niệm
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, một trong những lập luận của luồng ý kiến bảo vệ hành vi "bán" bài báo khoa học là cho rằng việc "bán" bài giống như mọi hoạt động làm thêm hợp pháp khác, chẳng hạn như "thỉnh giảng". Đây là một so sánh dựa trên sự đánh tráo khái niệm.
Về bản chất, giảng viên (GV) trường này đi dạy thỉnh giảng ở trường khác là bình thường, thậm chí đáng khuyến khích trong bối cảnh giáo dục ĐH thiếu người trầm trọng. Nhưng khi thỉnh giảng, GV được công khai rõ mình là GV cơ hữu trường nào. Trường mời thỉnh giảng thường phải chọn người có trình độ chuyên môn và sư phạm ở những nơi có uy tín, có hợp đồng thỉnh giảng rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật. SV là những người được hưởng lợi trực tiếp từ các GV thỉnh giảng.
Còn với thủ thuật "mua - bán" bài báo khoa học, tác giả bài báo che giấu cơ quan chủ quản của mình, cố tình làm cho NXB cũng như người đọc ngộ nhận mình làm việc ở nhiệm sở mạo danh kia. Có người còn tinh vi hơn, ứng với mỗi nhiệm sở mạo danh chọn một cách ghi tên khác nhau, tạo các hồ sơ học thuật khác nhau trên mạng để tránh bị phát hiện tất cả cùng là của một người.